Khi thời tiết vào mùa mưa cũng là lúc muỗi bắt đầu sinh sôi nảy nở nhiều gây ra các dịch bệnh nguy hiểm như: sốt rét, sốt xuất huyết,… Một trong các biện pháp để ngăn ngừa và tiêu diệt muỗi phổ biến là sử dụng thuốc xịt muỗi. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về loại thuốc muỗi này. Vậy thì hãy để chúng tôi giải đáp những thắc mắc đó trong bài viết dưới đây nhé.
Thuốc xịt muỗi là gì? Thành phần?
Thuốc xịt muỗi là loại thuốc xịt trong bình chứa để tiêu diệt và ngăn ngừa muỗi. Đây là biện pháp hữu hiệu để loại trừ muỗi và bảo vệ sức khỏe cho con người trước những dịch bệnh lây truyền do muỗi gây ra như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Sử dụng thuốc đúng cách, đúng thời điểm sẽ mang tới hiệu quả cao và đảm bảo an toàn với sức khỏe cộng đồng.
Hầu hết các loại thuốc xịt muỗi hay thuốc diệt muỗi trên thị trường hiện nay đều chứa các thành phần chính là allethrin, pyrethroid, prallethrin và deltamethrin, một hợp chất có thành phần hóa học tương tự với allethrin. Các loại thuốc này hoạt động bằng cách hòa tan những hoạt chất trong dung môi dễ bay hơi như diclorometan (DCM) hay methylen clorua. Nếu hít phải loại hợp chất này trong thời gian dài có thể gây ra ngộ độc khí carbon monoxide.
Thuốc xịt muỗi có độc, nguy hiểm cho trẻ không?
Sau khi biết được những thành phần chính của thuốc xịt muỗi, nhiều người thắc mắc rằng loại thuốc diệt muỗi này có độc hại không và có nguy hiểm cho trẻ em hay không? Câu trả lời là có, mặc dù các sản phẩm này có hiệu quả nhanh nhưng tác hại của chúng với sức khỏe trẻ nhỏ cũng rất lớn.
Bên cạnh đó, các loại thuốc xịt này đều có mùi hăng, dễ gây khó chịu do trong thành phần thuốc xịt có chứa dầu hỏa, là một chất độc hại đối với cơ thể. Nếu sử dụng thường xuyên, các loại thuốc này rất có thể sẽ thâm nhập vào cơ thể trẻ qua da, mũi và miệng. Từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và nội tiết của trẻ.
Thuốc xịt muỗi còn gây tác hại nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, khi trẻ hít phải thuốc có thể gặp phải các vấn đề như:
- Mắc bệnh về hô hấp như ho, tăng tiết dịch, tăng co thắt cơ trơn phế quản khiến trẻ đau đớn và khó thở,…
- Kích ứng da: Tiếp xúc với các loại thuốc diệt muỗi hay diệt côn trùng có thể khiến da trẻ bị kích ứng như ngứa, nổi ban…
- Kích ứng mắt: Bị thuốc diệt muỗi dính vào mắt còn có thể khiến mắt trẻ đỏ và sưng. Nếu thường xuyên bị sẽ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Bên cạnh đó, tác hại của loại thuốc diệt muỗi này còn gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn giấc ngủ, mất trí nhớ nhẹ, co giật và rối loạn hệ thần kinh.
Lưu ý khi dùng thuốc xịt diệt muỗi
Như bạn đã thấy, loại thuốc diệt muỗi này có thể để lại tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhưng nếu bạn vẫn muốn dùng thuốc xịt để tiêu diệt hết đám muỗi trong nhà thì bạn cần lưu một số điều sau đây để hạn chế tác hại có thể xảy rai:
- Đọc kỹ thông tin ghi trên bao bì để xác định xem thành phần thuốc xịt có độ an toàn cao với trẻ hay không.
- Trước khi sử dụng, bạn nên đưa trẻ ra khỏi phòng, sau khi xịt xong nên đợi hơn 1 tiếng rồi mới cho trẻ quay lại để đảm bảo mùi hương và các hóa chất không ảnh hưởng đến trẻ.
- Để bình xịt muỗi tránh xa tầm với của trẻ.
- Ngừng sử dụng thuốc diệt muỗi ngay nếu bạn nghi ngờ trẻ bị dị ứng.
- Chỉ xịt thuốc một lượng vừa đủ, không nên xịt quá nhiều.
Khi nào thì dùng thuốc xịt muỗi?
Để dùng thuốc diệt muỗi chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả tối đa, cần quan tâm đến thời gian sử dụng. Nếu được sử dụng đúng thời điểm, lượng muỗi nhiễm độc bị tiêu diệt nhiều hơn, ngược lại nếu sử dụng thuốc sai thời điểm, muỗi sẽ không bị ảnh hưởng và có thể nhờn thuốc. Vậy nên sử dụng thuốc xịt diệt muỗi vào lúc nào?
Giờ hoạt động của mỗi loài muỗi không giống nhau. Chẳng hạn như loài muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất là vào đầu buổi sáng. Vì thế thời gian sử dụng thuốc xịt muỗi hiệu quả nhất là vào buổi sáng và trước khi mặt trời lặn.
Ngược lại, muỗi culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản có thời gian hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng bay ra ruộng lúa để sinh sản. Vì vậy thời gian sử dụng thuốc muỗi hiệu quả nhất là từ 19 đến 22h đêm.
Theo chuyên gia Y tế, với loài muỗi trong nhà tốt nhất nên sử dụng thuốc xịt muỗi vào sáng sớm lúc 10h sáng hoặc khi chạng vạng tối trong điều kiện không mưa và ít gió. Đây sẽ là thời gian chúng hoạt động mạnh nhất để việc diệt muỗi đạt kết quả tối ưu.
Đốt nhang muỗi có thay thế thuốc xịt được không?
Sau khi biết các thành phần của thuốc xịt muỗi có thể gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là cho trẻ nhỏ thì đã có rất nhiều người tìm phương pháp diệt muỗi khác để thay thế. Hiện nay, ngoài bình xịt muỗi ra thì nhang muỗi cũng là một sự lựa chọn phổ biến, vì thế các gia đình đã chuyển sang dùng nhang muỗi thay thế cho thuốc xịt.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu dùng nhang muỗi có thật sự an toàn hơn? Thực tế thì nếu thuốc xịt muỗi có hại với sức khỏe trẻ nhỏ thì nhang muỗi cũng không phải là sự lựa chọn tốt. Hệ hô hấp của trẻ nhỏ vẫn còn rất non nớt, vì thế khi tiếp xúc với khói nhang muỗi rất có thể khiến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, kích ứng mắt và dị ứng da giống như sử dụng thuốc xịt vậy.
Ngoài ra, nhang muỗi còn sản sinh ra loại khí carbon monoxide và nhiều loại hóa chất độc hại khác đối với cho sức khỏe. Điều này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu bạn mua phải các loại nhang muỗi kém chất lượng, nguồn gốc không đảm bảo. Một nguy hại tiềm ẩn nữa đó là trẻ nhỏ hay tò mò, nếu bạn không cẩn thận để nhang muỗi trong tầm với của trẻ thì sẽ trẻ rất dễ cầm nắm vào, khi nhang đang cháy sẽ gây bỏng.
Các phương pháp đuổi muỗi khác
Sử dụng thuốc xịt muỗi gây hại đến sức khỏe và sử dụng nhang muỗi cũng không an toàn. Vậy làm thế nào để tiêu diệt cũng như phòng tránh muỗi sinh sống trong nhà. Có nhiều cách đơn giản mà bạn chưa biết đến, chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn một vài phương pháp hiệu quả nhất nhé.
Sử dụng vỏ cam, quýt khô
Khi ăn cam, quýt bạn đừng vứt vỏ đi ngay nhé, vì tinh dầu trong vỏ của loại quả này có công dụng đuổi muỗi khá hiệu quả. Tinh dầu thơm trong vỏ cam, vỏ quýt rất hấp dẫn với con người, nhưng lại là thứ khiến muỗi phải tránh xa. Để xua muỗi, bạn chỉ cần dùng vài mẩu vỏ cam, quýt đã phơi khô đốt cháy với lửa.
Tuy cách này chỉ tác dụng trong khoảng thời gian ngắn, khoảng một buổi, nhưng nó cũng giúp không gian nhà bạn có mùi thơm dễ chịu hơn và đặc biệt là không có muỗi.
Đuổi muỗi bằng tinh dầu thay cho thuốc xịt muỗi
Bạn có thể mua một số loại tinh dầu của các loại cây có tác dụng đuổi muỗi như: tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu sả, tinh dầu tràm,… Sau đó, bôi lên người hoặc xịt lên quần áo để muỗi không dám đến gần nhé.
Dùng nước súc miệng Listerine
Cho nước súc miệng Listerine vào loại bình xịt nhỏ dùng để tưới hoa, xịt trực tiếp trên bàn ghế, thảm chùi chân… Nước súc miệng có tác dụng xua muỗi khá hiệu quả do trong thành phần có chứa dầu khuynh diệp (Eucalyptus oil).
Đuổi muỗi bằng nước rửa chén hiệu quả
Nước rửa chén ngoài công dụng làm sạch ra còn có thể dùng để đuổi muỗi hiệu quả. Cho một ít nước rửa bát vào đĩa, sau đó đem để ở ngoài nhà. Muỗi sẽ bay tập trung lại ở khu vực có nước rửa chén mà không bay vào nhà nữa.
Dùng tỏi giã nhuyễn thay thế thuốc xịt muỗi
Tỏi tươi giã nhuyễn có tác dụng xua muỗi khá hữu hiệu. Chỉ cần vài củ tỏi tươi, đâm nhuyễn cho đến khi chảy nước rồi thoa lên da. Ăn tỏi cũng có tác dụng xua đuổi muỗi. Khi ăn tỏi, mùi tỏi sẽ được thoát qua các lỗ chân lông ở da, dù chúng ta không cảm nhận được mùi tỏi tấy nhưng muỗi thì rất nhạy cảm.
Trồng cây xua muỗi
Trồng các loại cây có tác dụng đuổi muỗi xung quanh nhà hoặc trong nhà như: cây cúc vạn thọ, cây sả, cây hương thảo, tỏi, cúc ngải, cây hoa oải hương, húng lủi, cây húng quế, cây chanh… Điều cần lưu ý để không bị muỗi đến gần đó là mùi hương. Loài muỗi rất thích các mùi hương của nước hoa, keo vuốt tóc, xà bông thơm, các chất dùng để giặt quần áo.
Làm thế nào để chống muỗi hiệu quả cho trẻ
Nếu như bạn không sử dụng các loại thuốc xịt muỗi, nhang muỗi và cũng không áp dụng các biện pháp trên. Bạn cũng có thể bảo vệ trẻ an toàn khỏi bị muỗi đốt bằng cách như sau:
- Hạn chế cho trẻ vui chơi ở những nơi có nhiều muỗi như thùng rác, vũng nước đọng, vườn cây rậm…
- Cho trẻ mặc quần áo che tay chân để tránh tiếp xúc với muỗi, hạn chế cho trẻ mặc quần áo có màu sắc tươi sáng vì dễ thu hút muỗi và côn trùng.
- Sử dụng các vật dụng bảo vệ khỏi muỗi đốt như mùng chống muỗi, lưới chống muỗi,… Đây là cách bảo vệ trẻ khỏi muỗi an toàn và hiệu quả bởi bạn không cần phải lo lắng việc trẻ có thể tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Cho trẻ sử dụng các loại kem chống muỗi nếu trẻ lớn hơn 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, khi dùng cần lưu ý không được thoa kem lên mắt và miệng.
- Dùng tinh dầu đuổi muỗi có nguồn gốc từ thiên nhiên cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, các loại tinh dầu này không đảm bảo an toàn tuyệt đối bởi trẻ cũng có thể nhạy cảm với một số thành phần nhất định trong đó. Vì vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ thuốc xịt muỗi là gì cũng như biết được tác hại của loại thuốc này. Tiêu diệt và xua đuổi muỗi là biện pháp quan trọng để phòng tránh các dịch bệnh lây lan từ muỗi. Vì thế các bậc cha mẹ cần cân nhắc lựa chọn phương pháp an toàn và hiệu quả nhé.